Đây là mẫu tai nghe không dây hoàn toàn đầu tiên của Bose vừa ra mắt tại Việt Nam. SoundSport Free phù hợp cho các hoạt động thể thao ngoài trời.
Dòng sản phẩm tai nghe không dây hoàn toàn (phân biệt với loại không dây nhưng hai tai nối với nhau) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2015. Năm 2017 bằng việc cho ra mắt Airpods, Apple đã khiến người dùng chú ý hơn đến phân khúc tai nghe mới mẻ này. Hàng loạt các model như Sony WF-1000X, JBL Free, B&O BeoPlay cũng lần lượt xuất hiện sau đó để cạnh tranh, đón xu hướng tiêu dùng mới.
Bose SoundSport được tạo ra để hướng tới người dùng có nhu cầu nghe nhạc khi tập luyện thể thao.
Có quá nhiều đối thủ trong thị trường không dây vốn chật chội, Bose quyết định hướng đến khách hàng yêu thích thể thao như cách mà các sản phẩm dòng SoundSport trước đây đã làm. Tháng 9/2017 Bose trình làng mẫu tai nghe không dây hoàn toàn đầu tiên của mình, SoundSport Free. Sản phẩm này vừa lên kệ tại Việt Nam cuối tháng 1 với giá 4,99 triệu đồng. Mức giá này rẻ hơn đôi chút so với thị trường nước ngoài (250 USD).
Thể thao và hầm hố
Tổng thể thiết kế tai nghe được bo tròn như một viên sỏi nhỏ. Khung viền tai nghe bọc một lớp cao su chống trơn trượt và giúp chịu một phần lực nếu rơi rớt. Bose SoundSport Free có ba màu sắc là cam, đen, xanh dương.
Không chỉ khác nhau về màu sắc mà hoa văn bên trong phần ốp tai cũng khác nhau giữa các màu. Điểm nhấn này tạo cho SoundSport Free vẻ năng động, đúng với mục đích thể thao mà hãng đang hướng tới.
Bose SoundSport có ba phiên bản màu sắc trẻ trung.
So với Apple Airpods, Sony WF-1000X, Samsung IconX Gear, tai nghe SoundSport Free có kích thước lớn và khá nặng. Điều này khiến người dùng nhanh mỏi tai hơn khi đeo.
Trải nghiệm cho thấy, người dùng có thể bắt đầu cảm thấy mỏi tai sau một giờ đeo. Vì vậy, đây là mẫu tai nghe thích hợp cho luyện tập thời gian ngắn hơn là một mẫu tai nghe dùng thưởng thức âm nhạc trong thời gian dài.
Tuy có điểm yếu về kích thước nhưng nút tai StayHear có thiết kế sinh trắc học khá tốt, chỉ cần chọn đúng kích thước, đeo đúng kỹ thuật thì khó có thể rơi ra khỏi tai. Thao tác đeo tai nghe cũng khá đơn giản và nhanh chóng.
Nút nghe StayHear có khả năng giữ thiết bị trên tai người dùng khá chắc chắn.
Bose SoundSport có 4 nút bấm tổng cộng trên hai tai. Bên trái là nút kích hoạt trợ lý ảo (hỗ trợ iOS). Bên phải là ba nút tăng giảm âm lượng và pause/play. Tất cả bốn nút đều khá cứng khiến thao tác bấm nút trên mẫu tai nghe này khá khó khăn. Ở thao tác bấm hai lần pause để chuyển bài, người dùng có thể làm rớt thiết bị ra khỏi tai. Đây là điều mà Bose cần khắc phục.
Về thiết kế hộp đựng, Bose SoundSport Free cho cảm giác nằm gọn trong lòng bàn tay, thao tác mở hộp sẽ có 4 đèn LED thông báo tình trạng pin bật sáng. Bên trong hộp bố trí hai rãnh thoát nước và bụi giúp việc vệ sinh dễ dàng hơn. Tuy vậy, nó có kích thước khá lớn.
Các nút bấm trên SoundSport khá cứng khiến việc tương tác với tai nghe gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó xung quanh nắp hộp còn có ron cao su khiến nước không thể lọt vào bên trong. Bản thân tai nghe cũng trang bị chuẩn chống nước IPX4 giúp chống mồ hôi và nước mưa khi tập luyện.
Ngoài ra, việc lấy tai nghe và đeo cũng tiện hơn AirPods khá nhiều. Tuy nhiên việc cất vào hộp lại rất khó khăn. Mặc dù đã trang bị hộp từ tính nhưng người dùng phải cẩn thận để đúng vị trí nếu không sẽ cấn không đóng được hộp. Việc nhầm lẫn giữa bên trái và phải cũng là điều mà người dùng phải mất một thời gian để làm quen.
Chất âm trong sáng
Ở từng mức âm lượng Bose sẽ tính toán cho ra EQ tối ưu nhất cho SoundSport. Sản phẩm này mang lại chất âm đặc trưng của Bose, tươi sáng, trẻ trung. Các dải âm được thể hiện rõ ràng, không bị chồng chéo lên nhau. Đặc biệt âm mid và treble của SoundSport khá tốt, tuy nhiên một vài trường hợp tạo cảm giác hơi chói tai.
Model này thích hợp cho những dòng nhạc sôi động như Pop, Country, R&B… Các thể loại "nặng đô" như Rap, Rock vẫn chưa được tối ưu khi nghe trên SoundSport Free.
Tai nghe hỗ trợ Bluetooth 4.1 giữ khoảng cách kết nối 9 mét.
Lý do nằm ở việc mẫu tai nghe này cách âm không thực sự tốt. Người dùng vẫn nghe được khoảng 80% âm thanh bên ngoài khi đeo thiết bị này mà không mở nhạc. Điều này khiến âm bass của tai nghe không thật sự hiệu quả vì bị "xì" ra bên ngoài khiến các dòng nhạc cần cảm nhận tiếng trống, nhịp beat mất đi sự hiệu quả.
Nhưng bất lợi này lại là lợi thế cho nhiều bộ môn thể thao ngoài trời như chạy bộ, đạp xe. Người tập luyện vẫn có thể nhận biết được không gian xung quanh khi đang nghe nhạc, tránh gây tai nạn.
Bên cạnh đó, SoundSport Free có khả năng thực hiện cuộc gọi khá tốt, âm thanh thu và nhận đều rõ ràng, chống được tiếng ồn từ môi trường bên ngoài. Tuy vậy việc nghe gọi trên SoundSport Free kể cả gọi qua Messenger đều chỉ thực hiện được trên tai phải.
Phần mềm chống thất lạc
Điều khiến người dùng lo ngại nhất khi sử dụng tai nghe không dây hoàn toàn chính là thất lạc. Bose trang bị cho các sản phẩm không dây của mình tính năng Find my Buds.
Tính năng Find my Buds giúp định vị nơi kết nối cuối cùng của tai nghe và phát ra âm thanh giúp tìm thiết bị trong trường hợp thất lạc.
Ứng dụng sẽ sử dụng GPS từ điện thoại để xác minh vị trí cuối cùng được kết nối với tai nghe. Trong phạm vi 9 mét, ứng dụng cho phép điều khiển tai nghe phát ra âm thanh để phát hiện vị trí.
Ngoài ra ứng dụng Bose Connect còn cung cấp trình phát nhạc với hình ảnh và giao diện khá đẹp mắt nhưng tính năng khá cơ bản. Bên cạnh đó ứng dụng còn cho phép thay đổi tên tai nghe, thời gian chờ, thông báo bằng giọng nói các thông tin như báo phần trăm pin, tên người gọi, trạng thái tai nghe…
Ưu điểm:
– Thiết kế thể thao
– Âm thanh sáng, trong
– Chống nước
– Hỗ trợ tìm kiếm khi thất lạc
– Chắc chắn khi đeo
– Thời lượng pin tốt
Nhược điểm:
– Khá nặng
– Không chống ồn
– Âm trầm yếu, âm cao đôi khi chói tai
– Nút điều khiển cứng, chưa thuận tiện
Theo Zing.vn