Trước đây, khi nói về các hệ thống loa multiroom, người dùng thường nghĩ đến các hệ thống loa rườm rà dây nhợ và giá thành không hề rẻ. Việc set up và sử dụng các hệ thống loa này cũng phức tạp và không phù hợp với người dùng thông thường. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, ngày này các loa multi-room ngày một phổ biến, càng ngày càng có nhiều hãng tham gia vào sản xuất và cho ra đời nhiều sản phẩm từ các hãng chuyên dụng như: Sonos, Bluesound cho đến các hãng hi-fi như B&O, Arcam,Pro Audio và các ông lớn công nghệ như Amazon, Google, Apple.
1/ Vậy loa Multi-room là gì?
Trở lại cách đây 20 năm, loa multi-room là hệ thống các loa được kết nối với nhau bằng dây nhợ và thường sử dụng trong một số khu vực đặc biệt như nhà hàng, khách sạn. Càng nhiều loa kết nối với nhau thì càng nhiều dây và việc sử dụng cũng không phù hợp với người dùng phổ thông.
Với việc phát triển của công nghệ không dây, các loa multi-room ngày nay kết nối với nhau rất dễ dàng. Người dùng có thể thêm bớt loa vào hệ thống của mình thông qua ứng dụng trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng, đồng phát phát nhạc trực tiếp trên nguồn phát, NAS hoặc thông qua các dịch vụ stream nhạc như Spotify, Apple Music hoặc Tidal.
Loa multi-room giúp người dùng dễ dàng phát cùng một ca khúc ở tất cả các phòng hay mỗi phòng một ca khúc riêng biệt. Việc này càng có nhiều hãng tham gia sản xuất giúp giá thành sản phẩm ngày một rẻ hơn cũng như các tính năng hấp dẫn cũng được bổ sung liên tục. Việc điều khiển các hệ thống loa này vì vậy cũng ngày một đơn giản hơn, chúng ta có thể điều khiển thông qua nút bấm, ứng dụng hoặc đơn giản là bằng giọng nói.
2/ Chúng ta cần quan tâm những gì?
Điều đầu tiên phải nói đến là các loa multi-room có thể sử dụng như các loa thông thường. Chính vì vậy tuỳ vào số lượng khu vực bạn muốn đặt loa mà hãy mua số lượng phù hợp theo nhu cầu sử dụng.
Kế đến là các loa multi-room có rất nhiều loại, từ loa vệ tinh, loa sub, soundbar, … để người dùng có thể sử dụng độc lập cũng như có thể phối ghép lại với nhau để trở thành các hệ thống âm thanh xem phim hấp dẫn. Do đó, nên hình dung trước bạn sẽ làm gì với hệ thống multi-room của mình để lựa chọn loa cho phù hợp với không gian cũng như mục đích sử dụng của mình. Nếu anh em có ý định chơi nguyên hệ thống hoàn chỉnh, mình khuyên là nên mua cùng một hãng để dễ dàng set up và sử dụng hơn.
Wifi là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với hệ thống multi-room, do đó chúng ta cần lưu ý wifi có mặt ở tất cả các khu vực đạt loa, nếu không có, việc trang bị thêm repeater hoặc các bridgle là điều cần thiết.
3/ Hệ thống loa Multi-room hoạt động như thế nào?
Các hệ thống loa multi-room trên thị trường hiện nay hoạt động theo 2 cách: tự tạo ra hệ thống mạng của riêng mình hoặc sử dụng hệ thống wi-fi trong nhà bạn.
- Với các hệ thống loa tự tạo ra hệ thống của riêng mình như Sonos, người dùng chỉ mất thời gian ban đầu để hệ thống set up hệ thống mạng của riêng nó. Điều này giúp việc truyền dẫn tín hiệu giữa các loa trong cùng hệ thống sẽ ổn định hơn và không phụ thuộc vào hệ thống wi-fi của nhà bạn.
- Với các hệ thống sử dụng hệ thống wi-fi của nhà bạn, điều này có nghĩa là chúng phụ thuộc vào tốc độ và độ ổn định của hệ thống wi-fi này. Nếu hệ thống của bạn chập chờn hoặc không tải nổi số lượng loa thì lúc này việc truyền dẫn tín hiệu sẽ bị ảnh hưởng theo.
Dù hoạt động theo cách 1 hay cách 2 thì người dùng vẫn donwload ứng dụng riêng biệt của các hãng để kết nối và điều khiển các loa trong hệ thống của mình như Sonos với Sonos Controller, Bluesound và BluOs Controller, Denon – HEOS app, Yamaha – MusicCast, B&O – BeoLink, và nhiều hãng khác. Như mình cũng đã nói bên trên, các hãng đã phần đều có hệ sinh thái của riêng mình nên anh em cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn sản phẩm cũng như thương hiệu phù hợp với bản thân VD: loa Sonos không thể nào phối ghép được với các loa của Bluesound.
Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn phối ghép giữa các thương hiệu với nhau thì không phải là không có cách. Chúng ta vẫn có thể kết nối các loa khác nhau thông qua ứng dụng DTS Play-Fi hoặc stream nhạc trực tiếp qua các thiết bị thông qua Airplay 2 hoặc Chromecast.
Lưu ý chúng ta cần phân biệt giữa việc truyền tín hiệu từ nhiều nguồn đến nhiều thiết bị ở các phòng ( Sonos hoặc DTS Play-Fi) với truyền tín hiệu từ một nguồn phát duy nhất đến nhiều thiết bị ở nhiều phòng (Airplay 2, Chromecast)
DTS Play-Fi
Thay vì phát triển ứng dụng và hệ sinh thái của riêng mình, một số hãng như: Arcam, McIntosh, Klipsch, Onkyo, Pioneer, Martin Logan, Polk và Rotel sử dụng DTS Play-Fi để điều khiển cho các loa multiroom của mình. Người dùng có thể kết hợp sản phẩm của các thương hiệu dùng chung DTS Play-Fi với nhau. Ứng dụng này cho phép stream nhạc chất lượng cao và khả năng kết nối cùng lúc lên đến 32 thiết bị.
Airplay 2
Airplay 2 là nâng cấp mà có lẽ người dùng idevices đã chờ đợi từ rất lâu. Người dùng các thiết bị của Apple không cần phải download ứng dụng gì riêng biệt mà chỉ cần bạn đang sở hữu các thiết bị chạy iOS là có thể sử dụng. Airplay 2 giúp người dùng dễ dàng truyền tải âm thanh đến nhiều thiết bị có hỗ trợ Airplay 2 cùng lúc. Hiện ngày càng có nhiều hãng sản xuất hỗ trợ Airplay 2 như Naim, B&O, Dynaudio, và kể cả Sonos cũng hỗ trợ Airplay 2. Như vậy chỉ cần là loa có hỗ trợ Airplay 2 điều đó có nghĩa là chúng ta có thể kết nối chúng vào hệ thống multi-room một cách dễ dàng.
Google Chromecast
Google Chromecast là một cách khác để người dùng có thể stream nhạc qua các thiết bị đến từ các hãng sản xuất khác nhau. Hiện có rất nhiều hãng hỗ trợ Google Chromecast từ các hãng TV cho đến các hãng âm thanh và tất nhiên bao gồm các loa của Google. Nếu thiết bị của bạn không được tích hợp thì chỉ cần mua thêm Chromecast Audio rời bên ngoài về kết nối là có thể sử dụng ngon lành. Điểm mạnh của Chromecast là có thể chạy trên nhiều nền tảng trong khi Airplay 2 chỉ gói gọn trong iOS mà thôi.
4/ Điều khiển bằng giọng nói là gì?
Kể từ năm 2017, một trong những tính năng được nhiều người quan tâm trên các loa không dây đó chính là điều khiển bằng giọng nói. Alexa và Google Assistant ngày càng được nhiều hãng tích hợp lên hệ thống loa của mình. Siri thì hiện chỉ mới có mặt trên Apple Homepod mà thôi, tuy nhiên với các loa có hỗ trợ Airplay 2 thì người dùng vẫn có thể truy cập Siri trực tiếp trên loa.
Các loa được trang bị cùng trợ lý ảo thì có thể dễ dàng kết nối được với nhau và người dùng có thể ra lệnh cho các loa một cách dễ dàng. Trợ lý ảo giúp người dùng có thể truy cập vào nhiều tác vụ khác nhau như: tìm nhạc, phát nhạt, hỏi về thời tiết, nhắc nhở…
5/ Chất lượng âm thanh của các loa Multi-room
Hầu hết các loa Multi-room hiện nay đều hỗ trợ truyền tải nhạc không dây chất lượng cao. Đa phần các hãng đều cho chất lượng CD (16bit/44.1kHz), một số hãng khác như Bluesound, Denon, Harman Kardon thì cho chất lượng đạt Hi-res lên đến 24bit/192kHz. Chromecast của Google cũng không thua kém với 24bit/96kHz.
Dĩ nhiên chất lượng hỗ trợ càng cao thì chất lượng âm thanh càng tốt, tuy nhiên phần lớn quyết định chất âm vẫn là loa mà bạn sử dụng cho nên việc lựa chọn loa có chất âm phù hợp nên là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn. Hiện các loa multi-room có chất âm ngày một tốt hơn. Tuy nhiên sẽ có giá nhỉnh hơn một chút vì phải trang bị các tính năng nọ kia.
Thêm một vấn đề nữa đó chính là sự tiện dụng khi sử dụng. Bởi vì chúng ta sẽ phải sử dụng hệ thống loa multi-room hàng ngày và ở bất cứ đâu trong nhà do đó việc kết nối ổn định cũng như phần mềm trực quan cũng là điều cực kỳ quan trọng và không phải ngẫu nhiên mà Sonos được nhiều người yêu thích.
6/ Kết
Như vậy là chúng ta đã điểm qua một số thứ cơ bản để anh em có thể tìm hiểu về các loa multi-room. Tuỳ vào nhu cầu mà anh em đã có thể tự lựa chọn cho mình một hệ thống loa ứng ý. Tuy nhiên nếu anh em chỉ đơn giản là nghe nhạc thì chỉ cần mua một chiếc loa di động hoạt một hệ thống loa stereo là đủ. Hiên có rất nhiều thương hiệu trên thị trường và ngày càng có nhiều hàng nhảy vào tham gia sản xuất. Một số hãng như Sonos, Audio Pro, Bluesound mình đã nhắc trong bài bên trên, ngoài ra anh em cũng có thể tham khảo thêm một số hãng mới nhảy vào thị trường này như Marshall, Riva audio