onyx9

Model loa mới nhất được Harman Kardon ra mắt vào tháng 9/2024

Goplay3

HARMAN KARDON GO PLAY 3

Mẫu loa di động đỉnh nhất 2024, nâng cấp toàn diện 3 đường tiếng, 160W, sub gầm. Mua ngay kẻo lỡ.

MANIA

Siêu phẩm DEVIALET MANIA

Đỉnh cao loa di động, AirPlay 2, Spotify Connect, Bluetooth 5.0

BEOLIT20

Loa di động cao cấp công suất 70W, âm thanh 360 độ, âm tinh tế, sáng chi tiết, gia công đỉnh cao.

previous arrow
next arrow

Câu chuyện của Anker: từ chàng kĩ sư Google đến hãng pin nổi tiếng nhất trên Amazon

Steven Yang nghỉ việc ở Google vào mùa hè năm 2011 để làm những sản phẩm mà anh nghĩ rằng thế giới cần: một dòng phụ kiện giá hợp lý mà vẫn xịn hơn những gì bạn có thể mua từ Apple, Samsung và các tên tuổi lớn khác. Những món phụ kiện này – pin, sạc, cáp – sẽ giải quyết những vấn đề về hết pin nửa chừng mà thiết bị di động hiện đại gặp phải. Nghe thì hay lắm, nhưng có một vài vấn đề "nho nhỏ": Yang chẳng biết gì về việc thành lập công ty, làm ra các sản phẩm điện tử tiêu dùng, thậm chí là bán hàng.
 

Kĩ sư phần mềm đi bán pin


"Tôi đang là một kĩ sư phần mềm tại Google. Tôi không biết xíu nào về thế giới sản xuất điện tử hết trơn", Yang nói với trang The Verge qua Skype từ văn phòng của mình ở Thượng Hải, Trung Quốc. Nhưng không gì cản được anh, Yang vẫn quyết định thành lập công ty của mình nhờ vào những kinh nghiệm khi từng làm việc với một số nhà bán hàng trên Amazon. Nếu bạn chỉ là một công ty be bé với khoảng vài người và muốn bán hàng thẳng tới người dùng thì Amazon có một hệ thống gọi là Marketplace để bạn làm điều đó. Và anh đặt tên công ty mình là Anker, trong tiếng Đức có nghĩa là mỏ neo (loại dùng cho tàu thuyền).

Và thật nhanh chóng, Anker đã trở thành thương hiệu pin di động nổi tiếng nhất trên Amazon. Dù gần đây pin di động mới nổi lên kèm theo sự phát triển của trò Pokemon Go nhưng thực ra thị trường này đã rất sôi động từ nhiều năm trước. Trên xe hơi, tại sân bay, trong quán ăn, ở cơ quan… ngày nay bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh người ta xài pin di động khắp mọi nơi để cấp nguồn cho cái món đồ thường "ngỏm" sớm hơn dự tính. Chỉ từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017, thị trường pin di động đã có giá trị 360 triệu USD tính riêng tại Mỹ, vậy thì cả thế giới còn cao tới mức nào anh em có thể tưởng tượng được.

Không như những đối thủ khác, Anker có chiến lược rất riêng để đánh vào thị trường này và bán hàng được cho người dùng. Sự tăng trưởng nhanh của công ty là bằng chứng cho thấy họ có khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng ở Mỹ, sau đó tiếp tục đánh sang những quốc gia khác và tạo không ít nỗi lo cho những tên tuổi địa phương. Một phần lớn doanh thu của Anker đến từ việc bán cáp và cục sạc gắn tường, giờ thì họ thậm chí còn làm những món đồ smarthome và sản phẩm dùng cho ô tô nữa. Nói chung chỗ nào có thể gắn cục sạc và cáp được thì Anker sẽ có mặt.
 

Sac_Anker.jpg


Yang và nhóm của mình bắt đầu lập công ty với mục đích duy nhất là bán các phụ kiện bên thứ ba với chất lượng tốt hơn so với những cái đang có trên thị trường. Lúc đầu họ dự tính sẽ sản xuất pin dành cho laptop. "Bạn có một cái laptop Dell hay HP, ví dụ bạn mua nó vào năm 2009 đi, thì vào năm 2011 pin đã chai và bạn cần mua một cục pin mới", Yang kể. Thời đó bạn có 2 lựa chọn: hoặc bạn mua hàng chính hãng từ Dell và HP với giá cao, hoặc bạn mua một món đồ "for" hoặc "lô" với giá thấp hơn nhưng chất lượng không thể nào bằng được. "Tôi mua cái nào bây giờ", Yang đặt ra câu hỏi. "Câu trả lời là bạn chẳng mua được cái nào cả".

Từ đây, Yang thấy được nhu cầu cần sử dụng một loại phụ kiện với giá hợp lý mà chất lượng vẫn xịn, và quan trọng hết là nó phải đủ tốt để có được sự tin tưởng từ phía người dùng. Nhưng trước khi bán được thì Yang phải tìm cách làm ra được sản phẩm đã.

Đây là một giai đoạn khá đau đớn. Sau khi nghỉ việc ở Google vào tháng 7 năm 2011, Anker tốn đến 12 tháng để cho ra bản nguyên mẫu pin laptop đầu tiên. Mà ý là Yang cùng nhóm của mình đã di chuyển tới Thượng Hải để có thể tiếp xúc với các đối tác sản xuất rồi đấy, chứ nếu anh vẫn còn ở lại California và yêu cầu đối tác ship linh kiện cho mình thì phải mất nhiều tuần mới nhận được hàng, mọi thứ sẽ bị chậm lại. Nhiều công ty phần cứng, nhất là startup, đã phải học bài học này một cách cay đắng với rất nhiều dự án bị trễ hoặc hủy do tốn nhiều thời gian chỉ để cho ra nguyên mẫu, chưa nói tới giai đoạn sản xuất.

Người giúp Anker né được rủi ro nói trên là Dongpong Zhao, lúc đó đang là giám đốc bán hàng của Google Trung Quốc. Zhao vào làm cho Anker hồi đầu năm 2012 và đã giúp Yang xây dựng nên chuỗi cung ứng cho công ty. Khi ấy Anker vẫn còn rất nhỏ, chỉ có khoảng 10 người mà thôi. "Bạn có thể nghĩ về nó như một hộ kinh doanh chứ không phải là một công ty thực thụ", Yang nhớ lại. Dù sao thì công ty cũng không bỏ cuộc và họ đã gần như hoàn thiện được chuỗi cung ứng trong năm đầu tiên, giờ họ chỉ cần tập trung kiểm tra sản phẩm của mình mà thôi – đó là những cục sạc và pin laptop mà Anker chuẩn bị mang bán lên Amazon.

Từ đây, Anker mạo hiểm đầu tư vào việc làm pin cho chiếc HTC Sensation. "Chúng tôi có thể làm ra những viên pin với dung lượng cao hơn một chút so với đồ chính hãng. Điều đó đã tạo danh tiếng cho chúng tôi". Ngay từ đầu, Anker đã cố gắng thiết lập mối quan hệ với các nhà cung cấp lớn ở Châu Á, ví dụ như Panasonic hay hãng làm anode BTR, để giúp công ty test và phát triển sản phẩm nhanh hơn.
 

Thị trường di động tiềm năng


Với đà tăng trưởng của smartphone và sự bùng nổ của dòng thiết bị này, Anker thấy được tiềm năng của việc làm pin di động, sạc, cáp. Cuối năm 2012, sau khi di chuyển hướng kinh doanh sang làm pin sạc dự phòng, Anker đã bán được 1.000 sản phẩm mỗi ngày trong khi trước đó họ chỉ bán được có 100 món thôi.

"Thách thức không nằm ở việc bán sản phẩm", Yang nói. "Cái khó là phải làm ra sản phẩm và đảm bảo chúng đạt chất lượng cao. Đó là lý do chúng tôi dành phần lớn công sức và nỗ lực của mình cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm." Kênh bán hàng chính của công ty là Amazon Marketplace, nơi mà review tốt của khách + giá rẻ + vị trí top trong kết quả tìm kiếm có thể biến một sản phẩm thành nguồn tiền vô cùng dồi dào cho người đã sinh ra nó.
 

ANker_sac_USB-C.jpg


Với thị trường phụ kiện số, vốn chỉ là một phần nhỏ của thế giới công nghệ, thì việc tạo được một cú đột phá là rất khó. Nhưng Anker đã làm được điều đó nhờ việc rút ngắn thời gian sạc. Theo một nghiên cứu của PhoneArena, điện thoại năm 2013 cần 2 tiếng mới sạc đầy, còn ngày nay chỉ cần phân nửa thời gian mà thôi. Và Anker cố gắng làm ra những cục sạc có thể sạc nhanh hơn với công nghệ riêng của họ.

Lấy ví dụ với PowerPort 5, một cục chữ nhật có thể sạc 5 thiết bị cùng lúc. Năm 2015, nó là phụ kiện duy nhất trên thị trường có khả năng sạc 5 thiết bị cùng lúc với dòng điện tối ưu nhất. Anker làm được điều này nhờ công nghệ PowerIQ của họ, nó có thể nhận biết được thiết bị đang gắn vào cục sạc là gì, ví dụ như iPhone 7 Plus, Google Pixel hay iPad Pro, từ đó điều chỉnh dòng điện tốt nhất và nhanh nhất có thể cho thiết bị. Anker cho hay công nghệ này đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian để sạc đầy. PowerIQ đã có từ năm 2013.
 

Khách hàng rất quan trọng, và bạn cần để tâm tới mọi thứ trước khi bán hàng cho họ


Không chỉ về công nghệ, Anker còn phải chú trọng tới những yếu tố khác để khách hàng tin mình và chịu mua sản phẩm của mình thay vì mua hàng của đối thủ. Elisa Lu, quản lý thương hiệu của Anker, nói rằng họ đã dành nhiều thời gian để làm ra cái hộp màu xanh và trắng với logo Anker in lên mọi cái nắp. Bên trong là một sản phẩm được sắp xếp gọn gàng nhờ bìa cứng. Thiết bị mà Anker bán ra cũng có mùi của đồ điện tử mới – thứ bạn chỉ thường nghe thấy khi mua những món đồ đắt tiền từ các công ty lớn. Mùi này xuất phát từ việc các hợp chất hóa học bay hơi từ các lớp hoàn thiện của máy.

Ngoài ra Anker cũng chọn tông trắng và đen làm màu chính cho các sản phẩm của mình trừ một vài sợi cáp và pin mới ra mắt gần đây. Anker nói họ chọn màu này một cách cố tình và có ý định kinh doanh trong đó chứ không phải thích là chọn. "Khi khách hàng nhận sản phẩm của chúng tôi, chúng tôi muốn đảm bảo rằng họ đang mua từ một công ty có thể tin tưởng được." Với những thị trường đông đúc như phụ kiện di động thì thương hiệu là yếu tố rất quan trọng khi người ta chọn mua hàng trên Amazon.
 

ANker_khach_hang.jpg


Bên trong hộp còn chứ một mảnh giấy nhỏ với 2 câu hỏi. Bạn có hài lòng với sản phẩm không? Nếu không, Anker in hướng dẫn để bạn liên hệ với đội chăm sóc khách hàng bằng điện thoại, email, website. Còn nếu có, Anker nhắc bạn nhớ chia sẻ với bạn bè và tốt hơn nữa là lên Amazon nhận xét cho họ.

Nói một cách miễn cưỡng, sự thành công của Anker là do việc các nhà sản xuất smartphone thất bại trong việc làm pin tốt hơn, cũng như không làm được những món phụ kiện theo cách mà Anker đang làm. Với chi phí vận hành thấp nhờ sử dụng Amazon Marketplace một cách hiệu quả, công ty có thể bán được những món đồ với chất lượng cao trong khi giá chỉ 10$, 20$. Anker cũng rất nhanh nhạy trong việc xác định các cơ hội kiếm tiền mới: iPhone 7 ra mắt không có jack tai nghe? Anker bắt tay làm ngay adapter đổi. Thậm chí họ còn có cả tai nghe Bluetooth nữa cơ.
 

Tận dụng tốt mô hình thương mại điện tử của Amazon


Vòng lại Amazon một chút, thành công của Anker ở thời điểm này cũng như trong tương lai đến từ viêc họ có khả năng khai thác rất tốt "chợ" online này. Kinh nghiêm của việc này là nhờ Yang đã từng viết ra một hệ thống cho một người bạn bán đồ trên Amazon. Hệ thống này lo được từ khâu kiểm soát tồn kho, giao hàng và xử lý đơn hàng cũng như theo dõi từng đơn được khách đặt. "Tôi mất 2 tháng để làm ra hệ thống này, những buổi chiều và những ngày cuối tuần của tôi. Trong chỉ 1 tháng, cô ấy có thể xử lý trên 300 đơn mỗi ngày".

Việc làm ra hệ thống này giúp Yang có được những thông tin vô cùng hữu ích về cách mà bên thứ ba có thể mang đồ lên Amazon bán. Anh biết cái gì nên làm và không nên làm, cách nào để biến một thương hiệu thành ngôi sao chỉ qua một đêm, và điều gì sẽ giết chết thương hiệu của bạn vào ngày hôm sau. Anker đi lên bằng cách xài được hạ tầng của Amazon và sử dụng nguồn lực về kĩ thuật, hỗ trợ từ Trung Quốc. "Amazon cung cấp rất nhiều dịch vụ – tài chính, đơn hàng. Nó giúp giảm rào cản khi bạn cầm hàng đi bán". Lúc đầu Anker đã từng thử tự xử lý đơn hàng, nhưng công ty nhanh chóng phát hiện ra rằng họ không thể làm tốt như Amazon. Giờ đây 95% sản phẩm của Anker đều được gắn mác "Fulfilled by Amazon", tức là đơn hàng do Amazon đảm nhận. Người dùng Mỹ thường chuộng những món đồ "Fulfilled by Amazon" hơn vì họ tin vào năng lực xử lý đơn hàng đúng hẹn của Amazon và đảm bảo hàng sẽ tới tay bạn với chất lượng cao.

Những review tốt của khách cũng là yếu tố then chốt vì nó góp phần thay đổi suy nghĩ của người dùng. Trước đây khi cần mua cục sạc, bạn chỉ nghĩ tới cục chính hãng của Apple hay Samsung. Giờ thì họ còn nhớ tới Anker nữa. "Những review tốt trên Amazon cứ thế xuất hiện tự động, chúng tôi chẳng phải làm gì cả".
 

Loa_Anker.jpg


Mỗi năm, Yang và team Anker đều thực hiện khảo sát với khách hàng. Nó chỉ có 1 câu hỏi thôi: điện thoại của bạn thường hết pin ra sao? Mỗi ngày? Tuần 1 lần? Tháng 1 lần? Hay không bao giờ? "40% người dùng nói rằng họ bị hết pin ít nhất 1 lần mỗi tuần, và 40% nói họ bị hết pin ít nhất 1 lần mỗi tháng. Miễn là những con số này không đi xuống, chúng tôi vẫn còn nhiều thứ cần làm".

Tất nhiên Anker không ngủ quên trên chiến thắng. Họ đang mở rộng sang kinh doanh tai nghe, loa ngoài, case điện thoại, gần đây còn có dòng sản phẩm smarthome Eufy nữa. Yang nhìn được rằng tương lai người ta sẽ không cần nhiều sạc di động như hiện tại vì sạc nhanh giờ ngày càng nhiều, các chuẩn như USB-C cũng giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng hơn. Anker còn đang có tham vọng cạnh tranh với cả Harman Kardon và Bose – những cái tên huyền thoại trong làng âm thanh – nhưng tất nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi Anker có thể đạt được ước muốn này.
 

Nguồn: The Verge

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.